Bối cảnh Chiến_dịch_Đông_Carpath

Do kết quả của Chiến dịch Proskurov–Chernovtsy, Quân đội Liên Xô đã tiếp cận biên giới phía Đông Slovakia. Ngay sau đó, Phương diện quân Ukraina 1 tiếp tục mở Chiến dịch Lvov–Sandomierz, đánh bại Tập đoàn quân xe tăng 4 thuộc Cụm tập đoàn quân Bắc Ukraina (Đức) và đẩy Tập đoàn quân 1 (Hungary) lùi về sườn phía Đông Bắc của dãy núi Carpath. Ở hướng Balkan, Phương diện quân Ukraina 2 và Phương diện quân đang chuẩn bị cho Chiến dịch tấn công chiến lược Iaşi-Chişinău nhằm tiêu diệt chủ lực của Cụm tập đoàn quân Nam Ukraina (Đức).

Sau khi thất trận tại "cái ban công" Byelorussia, quân đội Đức Quốc xã phải lùi về vùng biên giới giữa Liên Xô với các nước Đông Âu. Binh lực của quân đội này tuy còn mạnh nhờ quân đội các nước chư hầu Romania, Hungary trực tiếp tham chiến nhưng không còn đủ để mở các trận tấn công lớn. Để phòng thủ từ xa cho biên giới của nước Đức Quốc xã, quân đội Đức tập trung xây dựng các tuyến phòng thủ mạnh nhằm làm chậm tốc độ tấn công của quân đội Liên Xô ở Mặt trận Xô-Đức. Trong khi đó, ở Mặt trận phía Tây, quân đội đồng minh Anh - Mỹ đã tiến những bước vững chắc trên lãnh thổ Pháp và chuẩn bị cho chiến dịch giải phóng Paris.

Địa bàn tác chiến tại Slovakia phần lớn là nhũng vùng núi hiểm trở trên sườn phía Đông Bắc của dãy Carpath. Trong đó phải kể đến các dãy "Núi Đen" (Черговские горы) và dãy "Đông Besky" (Восточные бескиды) nằm trên đường tấn công của quân đội Liên Xô. Xen giữa hai dãy núi này là các con sông Oslava, Yasenka, Ondava, Laborets, Toplya và thượng nguồn sông Wisla tuy không rộng nhưng chảy xiết, có nhiều khe sâu hiểm trở. Việc tấn công trên địa bàn này đòi hỏi quân đội phải được trang bị những phương tiện đặc biệt dành cho tác chiến ở vùng núi.[3]

Trong giai đoạn suy tàn của Đế chế thứ ba, không chỉ ở Balkan, Ba Lan mà trên khắp các nước bị quân Đức chiếm đóng ở Đông Âu và Tây Âu đều nổi lên các tổ chức chống phát xít hoạt động bí mật và các đội du kích địa phương. Slovakia và miền Đông Carpath là nơi có phong trào du kích phát triển rất mạnh. Ngoài những đội quân du kích bản địa, tại đây còn có nhiều toán du kích được đưa từ Liên Xô sang bằng đường bộ hoặc đường không. Trong hàng ngũ quân du kích tham gia khởi nghĩa ở Slovakia có khoảng 3.000 chiến binh Liên Xô, 2.000 người Tiệp, 800 người Hungary, 400 người Pháp, 100 người Ba Lan, 50 người Anh, Mỹ và khoảng 80 người Đức chống phát xít.[4] Chỉ riêng trong 6 tháng cuối năm 1944, Liên Xô đã tung 53 nhóm du kích gồm hơn 1.200 người vào hoạt động ở Slovakia. Các nhóm này do Bộ tham mưu du kích Ukraina của trung tướng biên phòng Timofey Amvrosievich Strocach huấn luyện và do thiếu tướng Vasily Andreyevich Andreyev chỉ đạo hoạt động. Họ có liên hệ trực tiếp với Ban chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Slovakia do Gustav Husák, Karol Šmidke và Ladislav Novomeský lãnh đạo. Những người này đều là thành viên của Hội đồng dân tộc Slovakia.[5] Vào giữa năm 1944, các nhóm du kích Slovakia và đã tập hợp lại thành Lữ đoàn du kích Tiệp Khắc 1 mang tên "Michalko Stepaních", Lữ đoàn du kích Tiệp Khắc 2 mang tên "Vì tự do cho người Slav" và Lữ đoàn du kích Slovakia mang tên "Jan Žižka". Phong trào du kích ở Slovakia đã làm cho "đất đai bùng cháy dưới chân quân Đức xâm lược" và tiến tới một cuộc khởi nghĩa vũ trang lớn. Từ đầu tháng 8 năm 1944, một cuộc khởi nghĩa ở Slovakia đã được hoạch định với sự tham gia của một số thành viên của Ban lãnh đạo Hội đồng dân tộc Slovakia, Ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Slovakia với sự tham gia của các lực lượng du kích trong nước và quốc tế tại Slovakia cùng 2 sư đoàn quân Slovakia sẵn sàng rời bỏ hàng ngũ quân đội Đức Quốc xã để chiến đấu dưới cờ của Hội đồng dân tộc Slovakia, một tổ chức chính trị tập hợp những người yêu nước Slovakia chống phát xít.[6]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chiến_dịch_Đông_Carpath http://www.armchairgeneral.com/rkkaww2/maps/1944SW... http://www.armchairgeneral.com/rkkaww2/maps/1944SW... http://www.armchairgeneral.com/rkkaww2/maps/1944SW... http://www.armchairgeneral.com/rkkaww2/maps/1944SW... http://www.armchairgeneral.com/rkkaww2/maps/1944SW... http://www.dynamiclink.com/dukla/dukla_operation.h... http://www.historytoday.com/martin-d-brown/soe-and... http://ua-reporter.com/novosti/39115 http://www.youtube.com/watch?v=YdBQEMTU66o http://www.fronta.cz/pics/clanky/honza/dukla_plan....